Móng nhạt màu hay có màu vàng?
Móng thường xuyên gãy?
Hầu hết chúng ta không để ý nhiều tới móng tay vì nghĩ là nó không quan trọng, tuy nhiên sự thay đổi màu sắc, bề mặt, hình dạng bất thường của móng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể của bạn đang có vấn đề. Móng khỏe mạnh có bề mặt trơn láng, hồng hào, không có gờ sọc hay đổi màu.
Hãy cùng Benhgi.vn điểm qua những tình trạng bất thường của móng nhé!
1. Móng gồ ghề
Bình thường, móng sẽ có bề mặt trơn láng. Móng trở nên gồ ghề có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh vẩy nến, chàm eczema hoặc viêm khớp.

2. Móng lõm xuống
Thiếu máu do thiếu sắt hoặc cơ thể thiếu canxi, kẽm hoặc vitamin A cũng có thể là thủ phạm gây ra tình trạng móng bị dẹt, hoặc lõm xuống như hình một chiếc thìa.

3. Móng trắng
Nếu móng trở nên trắng và có một vành sẫm màu ở phía trên đầu móng, có thể bạn đang gặp vấn đề về gan như viêm gan. Móng tay nhạt màu có thể liên quan tới tình trạng thiếu máu, bệnh về gan, thậm chí cả bệnh tim mạch.

4. Móng vàng
Bị nấm móng là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng móng tay chuyển màu vàng. Khi bị nấm móng, ngoài việc móng đổi sang màu vàng, móng còn trở nên dày hơn và sần sùi. Ngoài ra, móng tay màu vàng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh của tuyến giáp, bệnh vẩy nến hoặc tiểu đường. Hiếm khi xảy ra, nhưng móng vàng cũng là dấu hiệu của tình trạng ung thư da.
Với những người mắc hội chứng móng tay vàng (YNS) ngoài tình trạng móng vàng sẽ còn mắc các vấn đề liên quan đến hô hấp và hệ bạch huyết.

5. Móng bị tách lớp hoặc nứt
Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm móng. Ngoài ra việc sử dụng các hóa chất trong tẩy rửa cũng có thể khiến lớp móng bị tách ra hoặc nứt.
Ngoài ra, việc móng tay bị tách lớp có thể do suy giáp, tuyến giáp hoạt động kém. Các triệu chứng khác của suy giáp bao gồm người mỏi mệt, tăng cân không chủ đích, đau khớp.

6. Móng dùi trống
Móng dùi trống là khi phần đầu móng trở nên tròn, phình to. Nó diễn tiến chậm và có khi mất nhiều năm mới nhìn rõ biểu hiện. Móng dùi trống có thể do phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, là hệ quả của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn hoặc các bệnh về phổi khác. Ngoài ra móng dùi trống có thể liên quan đến bệnh lý viêm đại tràng, tim mạch hay bệnh gan và HIV/AIDS.

7. Móng có phần nếp gấp quanh móng sưng
Nếu phần ra ở viền móng trở nên đỏ ửng, sưng phồng, có thể móng đã bị nhiễm trùng (paronychia). Đó cũng thể liên quan đến bệnh lupus ban đỏ hoặc rối loạn mô liên kết

8. Móng có sọc đen
Sọc đen có thể do có máu tụ sau khi bị chấn thương ở móng. Nếu như trước đó bạn không bị chấn thương, hãy đến bác sĩ để kiểm tra ngay lập tức vì nó có thể là dấu hiệu của ung thư ác tính nguy hiểm như ung thư tế bào hắc tố (melanoma).

9. Nấm móng chân
Nhiễm nấm móng chân có thể do nhiều loại nấm khác nhau. Nấm móng kẽ chân có thể lây từ ngón chân này sang ngón khác, từ người này sang người khác. Ngoài ra những người có bệnh nền như tiểu đường và mắc các bệnh ảnh hưởng tới hệ miễn dịch cũng sẽ dễ bị nấm hơn.

10. Móng có sọc đốm trắng
Đốm trắng xuất hiện ở móng là hiện tượng hay xảy ra và không quá nghiêm trọng, một số là do di truyền, do chấn thương. Nếu là do chấn thương thì sau khi móng dài, bạn chỉ cần cắt phần trắng đi là được

11. Móng mọc ngược (móng quặp)
Móng chân mọc ngược là tình trạng phổ biến, trong đó, góc hoặc cạnh của móng chân mọc vào thịt. Gây đau, đỏ, sưng, đôi khi là nhiễm trùng. Thường ngón chân cái bị tình trạng móng mọc ngược. Nếu bị tiểu đường hoặc bệnh khác khiến lưu lượng máu đến chân kém, nguy cơ cao là bạn sẽ bị biến chứng móng chân mọc ngược.
